Kỹ năng lãnh đạo

Đăng lúc: 14/01/2023

(SAC) - Ông bà xưa có câu: “1 người tính bằng 9 người làm”. Một đoàn tàu lửa sẽ không vận hành được nếu thiếu đầu tàu, một cỗ xe ngựa sẽ không chạy đúng hướng nếu thiếu người cầm cương, một con tàu có vượt sóng đại dương an toàn hay không tuỳ thuộc phần lớn vào người thuyền trưởng; một doanh nghiệp thành công hay thất bại là do người lãnh đạo. Quả thật vậy, trong một tổ chức hay một tập thể không thể thiếu người lãnh đạo. Vậy ai sẽ là người lãnh đạo? Bạn có thể là người lãnh đạo được không?

Lãnh đạo là gì?

Người lãnh đạo là người đứng đầu một tổ chức hay một tập thể có vai trò dẫn dắt, định hướng, chỉ đạo và xây dựng mối quan hệ giữa những thành viên trong cùng một tập thể cùng vận hành theo một hệ thống nhất định.

Thật ra, trong mỗi chúng ta đều là nhà lãnh đạo. Bạn có thể đang lãnh đạo một doanh nghiệp, lãnh đạo một tập thể, một lớp học hay lãnh đạo một nhóm bạn; lãnh đạo gia đình và lãnh đạo chính bản thân mình (tự lãnh đạo). Người lãnh đạo giỏi là người có thể lãnh đạo được tốt bản thân mình. 

Để trở thành người lãnh đạo, bạn cần: 

- Kiến thức, trình độ: bạn không thể lãnh đạo hiệu quả nếu không có kiến thức và trình độ hiểu biết nhất định. Ngoài những kiến thức cơ bản chuyên môn trong lĩnh vực hoạt động của mình, bạn còn phải đọc nhiều và luôn có tinh thần học hỏi để không ngừng nâng cao kiến thức, nhận biết và cập nhật những thông tin và tri thức mới. Điều này giúp cho bạn có một vốn kiến thức sâu rộng vừa hoàn thiện bản thân lại vừa có cái nhìn tổng thể giúp bạn định hướng tốt trong cuộc sống.

Nếu chỉ học ở trường lớp không chưa đủ, bạn cần đọc nhiều sách ở các thể loại, cập nhật tin tức sự kiện thông qua các phương tiện truyền thông; quan tâm đến những vấn đề thời sự, tham gia các phong trào đoàn hội, các chuyến công tác xã hội sẽ giúp bạn có thật nhiều những kiến thức và kinh nghiệm bổ ích từ cuộc sống.

- Tầm nhìn: đây là một trong những yếu tố quan trọng tạo sự khác biệt giữa người lãnh đạo và những người khác. Đứng trước mọi vấn đề bạn cần tập rèn luyện khả năng phân tích những thuận lợi, khó khăn trước mắt và lâu dài; cần vạch rõ mục tiêu trong mọi việc và phương pháp để đạt được mục tiêu đó (không nên nhìn sự việc bề ngoài, trước mắt mà nên nhìn ở mọi góc cạnh của vấn đề). 

Bạn có bao giờ tự hỏi và trả lời rằng 3, 5 hay 10 năm nữa tôi sẽ là ai? Tôi làm gì? Tôi đạt được gì? Và hiện giờ tôi sẽ làm gì để đạt được điều đó? Đạt được điều đó tôi sẽ được gì, mất gì?... 

- Trách nhiệm: tính trách nhiệm thể hiện ở cả trách nhiệm với bản thân và trách nhiệm đối với tập thể (hay tổ chức) bạn đang hoạt động. Bạn sẽ không thể lãnh đạo tốt nếu thiếu tính trách nhiệm xã hội. Lợi ích bản thân phải gắn với lợi ích tập thể. Hy sinh quyền lợi cá nhân vì tập thể và vì một mục tiêu lâu dài. Đó là yếu tố giúp bạn tạo được thiện cảm với những người trong cùng tập thể. 

Bạn đã từng trăn trở suốt đêm chỉ vì suy nghĩ xem tuần này sẽ tổ chức cho lớp đi cắm trại ở đâu? Đi như thế nào? Ăn gì, chơi gì, … hay không?

- Khả năng tác động đến người khác: Biết cách truyền lửa cho người khác và bạn sẽ nhận được những điều mà bạn mong đợi khi bạn quan tâm nhiều đến họ. Muốn trở thành nhà lãnh đạo giỏi, bạn cần phải thấu hiểu người khác muốn gì, cần gì, biết lắng nghe và chia sẻ với người khác. Khi có vấn đề rắc rối, phải đặt mình vào hoàn cảnh cụ thể để từ đó có hướng giải quyết hợp tình hợp lý.

Bạn hãy tự kiểm nghiệm lại xem bạn đã được gì: khi bạn của bạn có vấn đề có tìm đến bạn để chia sẻ hay không? Bạn có sẵn sàng lắng nghe tâm tư của bạn mình không? Những buổi dã ngoại nếu thiếu bạn bạn bè có nhắc đến bạn không? Sự xuất hiện của bạn có mang lại niềm vui cho người khác không?

Ngoài ra, để có thể có kỹ năng lãnh đạo tốt bạn cần chú ý đến những yếu tố khác như: kỹ năng giao tiếp tốt; sự tự tin, bản lĩnh; khả năng tư duy linh hoạt, nhạy bén, sáng tạo; khả năng giải quyết vấn đề; tính quyết đoán; sự dấn thân; có mục đích hành động rõ ràng, …. 

Sinh viên có cần rèn kỹ năng lãnh đạo?

- Có thể bạn sẽ cho rằng không vì mục tiêu của bạn không phải là làm lãnh đạo hay công việc của bạn không cần kỹ năng lãnh đạo? Bạn nghĩ “mình đâu muốn lãnh đạo người khác, rèn kỹ năng lãnh đạo để làm gì?” Ngược lại. Rất cần đấy các bạn ạh!

- Rèn kỹ năng lãnh đạo không hẳn chỉ là để bạn lãnh đạo người khác hay lãnh đạo một tổ chức mà còn là lãnh đạo bản thân mình, lãnh đạo cuộc sống của mình, lãnh đạo cuộc đời mình. 

Cụ thể ư?

- Mỗi sáng thức dậy bạn có ra được quyết định cho mình phải thức dậy thật sớm và đến lớp đúng giờ?

- Bạn có đủ bản lĩnh, tự tin để trả lời không với những cám dỗ

- Bạn có đủ tầm nhìn để nhận ra đâu là tình yêu đích thực

- Bạn có hoạch định được cho mình sẽ làm gì sau khi ra trường? 

- Bạn có đủ nghị lực và sự kiên trì để theo đuổi mục tiêu mình đề ra?

- Bạn có đủ khả năng để thuyết phục người khác chấp nhận làm theo những gì bạn muốn?
- Và …vân…vân…

Khi nào rèn luyện kỹ năng lãnh đạo?

Ngay bây giờ

- Bạn cần hiểu rõ mình: bạn là ai? Sở trường sở đoản của bạn? Phát huy ưu điểm và khắc phục những nhược điểm. Bạn muốn gì? Tại sao bạn muốn điều đó. Bạn cần làm gì để đạt đựơc. Bạn phải cam kết với những gì mình đặt ra và thực hiện bằng mọi cách. 

- Hãy quan sát và học theo những tấm gương từ những người lãnh đạo giỏi (có thể là một doanh nhân hay một anh cán bộ đoàn trường, hay đơn giản chỉ là người bạn mà bạn yêu quý)

- Hãy tập quan tâm đến những sự việc sự kiện diễn ra xung quanh bạn, nó sẽ giúp cho bạn có được nhiều thông tin hơn những gì bạn nghĩ. Tham gia nhiều hơn các hoạt động thay vì nằm co ro một mình trong ký túc xá. 

- Tập nhận biết vấn đề và thử những cách để giải quyết vấn đề (có thể đó là vấn đề của bạn, của người thân, bạn bè hoặc của người khác) – nó sẽ giúp bạn trở nên nhạy cảm trong việc xử lý mọi tình huống.

Có rất nhiều cách để bạn rèn luyện kỹ năng lãnh đạo. Bạn có thể tham khảo thêm ở những sách, báo, tạp chí, internet hoặc tham gia các khoá học. 

Chúc bạn thành công!

Trích "Cẩm nang những kỹ năng thực hành xã hội cần thiết cho sinh viên"

0918972083
0918972083